Giữ gìn ngọn lửa trong làng nghề gốm Thổ Hà


Trước đây, mỗi khi nhắc đến làng Thổ Hà người ta nghĩ ngay đến nghề làm gốm đã có từ lâu đời. Nhưng giờ đây thật khó khăn để tìm một ngôi nhà còn theo nghề gốm ở làng. Nhiều người đã đặt câu hỏi: “Phải chăng nghề gốm Thổ Hà đã không còn?”

Làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là một ngôi làng cổ với khung cảnh thôn quê hữu tình. Làng nổi tiếng với nghề làm gốm và bánh đa, đặc biệt nghề gốm đã có từ rất lâu đời.

Nghề gốm Thổ Hà đã có từ nhiều thế kỷ nay, có ý kiến cho rằng nghề gốm bắt đầu từ thời nhà Mạc, một vài ý kiến khác lại cho rằng từ thời Trần.  Khác với các làng ở đồng bằng Bắc Bộ, dân Thổ Hà hoàn toàn không có ruộng, bao đời sống bằng gạo chợ nước sông, thu nhập từ nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Chính vì vậy mà nghề gốm đã đem đến cuộc sống no ấm cho người Thổ Hà trong thời gian dài. Vào thời kỳ hưng thịnh của nghề, cả làng Thổ Hà nhà nào lò gốm cũng đỏ lửa quanh năm.

 

Thương hiệu gốm Thổ Hà xưa

Do kinh nghiệm làm gốm lâu năm và sự phát triển như vậy nên thương hiệu gốm Thổ Hà đã đặt dấu ấn riêng và có những đặc điểm khác biết hoàn toàn với những thương hiệu gốm khác như gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng…

Nếu như Gốm Bát Tràng là cao lanh sứ thì gốm Thổ Hà là gốm sành. Gốm Phù Lãng và gốm Thổ Hà có hình dánh hơi giống nhau nhưng bản chất lại  khác nhau hoàn toàn. Gốm Thổ Hà là gốm thô không phủ men. Khi nung đất và lửa bắt ra màu từ nâu đỏ đến nâu sẫm. Gốm không ngấm nước, khi gõ vào có âm thanh kêu “koong koong”. Độ sành của gốm đạt đến mức rất cao.

Những ưu điểm này của gốm khiến rất nhiều lò gốm tuy đã làm giả được hình dáng, màu sắc của gốm nhưng không thể làm giả được chất lượng cũng như độ sành của gốm.

Thương hiệu gốm sành Thổ Hà đã được thời gian khẳng định và nghề gốm Thổ Hà cũng đã được từng được lan truyền rộng rãi khắp nơi. 1800 năm trước nó đã xuất hiện ở Lộc Sơn, Thanh Hóa và 300 năm trước gốm Thổ Hà cũng đã có mặt ở Vĩnh Phúc.

Theo thời gian gốm Thổ Hà gắn bó sâu sắc với người dân và dường như đã trở thành một phần trong cuộc sống của con người nơi đây.

Gốm Thổ Hà nay đang mai một

Trong vài năm trở lại đây, nghề gốm Thổ Hà không còn là miếng cơm manh áo chính của người dân trong vùng nữa. Những hộ gia đình trước đây làm gốm thì nay hầu hết đã chuyển sang nghề làm bánh đa.

Nguyên nhân của hiên trạng này xuất phát từ vấn đề cạnh tranh thị trường, cạnh tranh kỹ thuật và nhất là hậu quả của cơ chế thời kỳ bao cấp để lại. Chính cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đó đã dẫn đến tình trạng tiêu cực chung của rất nhiều hợp tác xã mà hợp tác xã gốm Thổ Hà cũng không phải là ngoại lệ. Đó là chất lượng sản phẩm giảm sút, năng suất kỹ thuật không phát triển phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Từ đó mà nghề gốm dần bị mai một.

 

Bên cạnh đó nghề làm bánh đa phát triển nhanh cũng khiến nhiều hộ gia đình trong làng bỏ nghề gốm. Nếu như nghề làm gốm đòi hỏi sự mạo hiểm, cần vốn nhiều thì nghề làm bánh đa đơn giản hơn rất nhiều, rủi ro ít, vốn quay vòng nhanh, cách làm đơn giản…. Do đó, rất ít người dân Thổ Hà muốn tìm lại và phát triển nghề gốm.

Hiện nay những người biết nghề gốm trong làng còn rất ít và cũng đều đã cao tuổi. Duy chỉ còn một hộ gia đình cuối cùng ở làng theo nghề gốm nhưng hiện cũng phải tạm dừng sản xuất vì thiếu mặt bằng. Có chăng giờ đây người ta chỉ nhắc đến nghề gốm Thổ Hà như một thời kỳ hưng thịnh đã qua.

Mai một nhưng không mất

“Tôi đảm bảo với các bạn rằng gốm Thổ Hà không mất”. Đây là lời khẳng định đầy tâm huyết và có cơ sở của ông Nguyễn Đắc Tân- hộ gia đình cuối cùng còn “giữ lửa” cho lò gốm ở làng Thổ Hà.

Có rất nhiều người dân làng đều lắc đầu và cho rằng gốm Thổ Hà đã chết. Nhưng chính điều này lại trở thành động lực cho cái nghề đang ngày càng bị quên lãng và khó khăn này có thể phục hồi trở lại. Bên cạnh những cái lắc đầu thiếu niềm tin thì vẫn còn rất nhiều người tâm huyết với gốm Thổ Hà và đang tìm cách để đưa gốm Thổ Hà trở lại thời kỳ hưng thịnh.

Trên thị trường hiện nay, gốm Thổ Hà vẫn là một thương hiệu nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Rất nhiều bài báo vẫn giới thiệu nghề gốm như một nghề truyền thống từ lâu đời của làng Thổ Hà. Nhiều bài nghiên cứu, luận án  vẫn tìm hiểu về gốm sành Thổ Hà… “Còn những người quan tâm đến gốm Thổ Hà, còn những tấm lòng tâm huyết với nghề thì chắc chắn nghề gốm Thổ Hà sẽ không bao giờ chết”.

Nghề gốm đã từng là kế sinh nhai chính cho người dân Thổ Hà. Tuy đòi hỏi vốn đầu tư cao, công sức học nghề cũng rất lớn nhưng nếu được phát triển và đầu tư đúng hướng thì nó vẫn có thể làm giàu cho người dân. Theo ông Tân thì một sản phẩm gốm Thổ Hà có độ sành tiêu chuẩn có thể đạt lợi nhuận từ 50% đến 100%. Và nếu chất lượng gốm được phát triển thì lợi nhuận này có thể còn cao hơn nữa.

 

Hướng đi nào cho gốm Thổ Hà

Để lò gốm có thể duy trì và cho ra đời những sản phẩm tốt thì cần phải có vốn, mặt bằng, kỹ thuật, trình độ quản lý, đầu ra v.v… Và đặc biệt là cần có lòng tin và tâm huyết với nghề. Chính vì vậy, không chỉ cần đến sự ủng hộ của người dân làng Thổ Hà mà các cấp chính quyền địa phương cũng cần quan tâm giúp đỡ tìm ra giải pháp khắc phục những khó khăn hiện thời, tạo điều kiện tốt để gốm sành Thổ Hà có thể phục hồi và phát triển.

Nghề gốm làng Thổ Hà từ lâu đã trở thành một nét văn hoá đặc trưng của làng Thổ Hà. Đây là một nghề thủ công truyền thống đẹp đẽ đã được bao thế hệ tâm huyết truyền lại. Bởi lẽ đó, những người dân Thổ Hà ngày nay cần phải có trách nhiệm tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề gốm. Đặc biệt là thế hệ trẻ, những người sẽ tiếp bước công cuộc phục hồi gốm Thổ Hà.

“Tôi tin chắc có ngày gốm Thổ Hà của chúng tôi sẽ lại phát triển”, ông Phong – một người dân làng đã nói với niềm tin như vậy.

Vân Ly

Bình luận về bài viết này