20 tuổi và lòng yêu nước

 

Khi thế hệ chúng tôi sinh ra thì chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ. Dù vẫn còn đó những vết tích, những dấu ấn hay cả những nỗi đau, nhưng chúng tôi đã được sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Suốt những năm phổ thông, chúng tôi đã được dạy về lòng yêu nước, về lòng biết ơn, về tinh thần anh dũng hi sinh của các chú bộ đội. Những năm cấp I, trước mỗi giờ vào lớp, chúng tôi đọc to “5 điều Bác Hồ dạy”. Điều đầu tiên đó là “Yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào”. Cho đến năm học cuối cùng của thời học sinh, trong môn Địa lý, chúng tôi cũng đã được học cách vẽ lược đồ Việt Nam. Tôi còn nhớ thầy giáo đã nói rằng “Không bao giờ được quên Hoàng Sa và Trường Sa, lược đồ Việt Nam mà không có Hoàng Sa và Trường Sa là một lược đồ không toàn vẹn”.

Năm nay chúng tôi 20 tuổi. Chúng tôi đã rời xa ghế nhà trường 2 năm, có bạn đã đi làm, có bạn đã lập gia đình, có bạn vào đại học, cao đẳng, cũng có bạn đã đi du học. Những ngày vừa qua, khi chúng tôi vừa cầm trên tay những lá phiếu cử tri để đi bầu cử; khi chúng tôi đang mải mê với những dự định cho mùa hè, thì ở cách chúng tôi hàng trăm hải lí, vùng biển với những quần đảo mà đôi lúc chúng tôi đã quên đi, lại một lần nữa nổi sóng.

Khi mà mọi sự quan tâm đổ dồn vào thái độ của Bộ Chính trị trước hành động xúc phạm của Trung Quốc, thế hệ chúng tôi có thể làm gì? Rất nhiều người trong cộng đồng Facebook đã đồng loạt thay đổi avatar (hình đại diện) để phản đối sự ngang nhiên vi phạm chủ quyền biển đảo của Trung Quốc. Rất nhiều người đã bày tỏ sự lo lắng cho tương lai của đất nước. Rất nhiều người đã khẳng định rằng: “Nếu chiến tranh xảy ra, chúng tôi sẵn sàng cầm súng!”

 

Tôi không thay avatar như phần đông bạn bè. Tôi không đi biểu tình (mặc dù tôi không nghĩ những người biểu tình là những người ngây thơ). Tôi cũng không nghĩ là chiến tranh sẽ xảy ra. Tôi chỉ xem thời sự và nghĩ đến những bài học về lòng yêu nước đã được dạy, đã được hiểu và bây giờ thì có cơ hội để kiểm chứng. Có thể thế hệ đi trước đã đôi lần mất niềm tin vào chúng tôi. Có thể sự khác biệt giữa việc sinh ra trong thời bình và thời chiến là rất lớn; và có thể chúng tôi đôi lúc đã quên đi 5 điều Bác Hồ dạy. Có thể có nhiều bạn trẻ cố gắng kiếm học bổng để du học nước ngoài, để có thể sống và làm việc ở một môi trường hiện đại hơn. Có thể có những lí do này, lí do kia để nhiều người nghi ngờ lòng yêu nước của giới trẻ, nhưng tôi tin rằng đất nước mà chúng tôi đã sinh ra trong hòa bình, đất nước mà hàng triệu con người đã đổ máu để giữ gìn, đất nước bé nhỏ mà bác Hồ đã bỏ lại để ra đi tìm đường cứu nước cách đây 100 năm… là đất nước mà chúng tôi không bao giờ cho phép sự hi sinh của những người đi trước là vô nghĩa. Sự hi sinh đó xứng đáng để chúng tôi học tập và xây dựng đất nước giàu mạnh hơn; xứng đáng để nhiều người từ bỏ bánh mì bơ sữa, để trở về ăn cơm với nước mắm; xứng đáng để tất cả chúng tôi cảm thấy đau đớn, cảm thấy phẫn nộ sau mỗi lần Trung Quốc (hay bất kì nước nào khác) xâm phạm chủ quyền.

 

Có người đã cho rằng chúng tôi đã quá dễ dàng khi nói ra hai từ “Chiến tranh”. Đúng. Chiến tranh không phải là một điều tốt đẹp, không phải là điều để đùa vui. Đất nước đã qua bao nhiêu cuộc chiến, chúng tôi không quên. Tôi cũng đã khóc rất nhiều khi xem những hình ảnh tư liệu của chiến tranh, khi đọc những bài như “Hồi ức chiến tranh” của Phan Đăng Lưu, và hơn bất cứ điều quý giá khác, hòa bình thật sự thiêng liêng và đáng trân trọng. Chúng tôi nói đến chiến tranh là không phải vì chúng tôi muốn nó xảy ra. Đơn giản chỉ vì sự thật là đất nước của chúng tôi đã bị Trung Quốc xâm phạm – không chỉ một lần. Năm 2007, khi Trung Quốc phê duyệt việc lập thành phố Tam Sa để quản lý các đảo gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, chúng tôi mới chỉ 16. 16 và 20 tuổi đã là một quãng đời đủ để chúng tôi trưởng thành. Giờ đây chúng tôi đã phải giật mình tự hỏi, “ừ nhỉ, chiến tranh thì sẽ làm sao?” “nếu mất Trường Sa và Hoàng Sa thì sao?” Chúng tôi muốn nói đến, để tự hỏi lòng mình, tự hỏi cái lí tưởng (đôi lúc thật nhạt nhòa) của tuổi 20, rằng chúng tôi có can đảm không? ( Bởi chiến tranh không đơn giản như tất cả chúng tôi vẫn nghĩ. Không đơn giản chỉ là cầm súng và ra trận) Chúng tôi muốn nói đến, để thêm một lần biết đau với thân phận của một đất nước bé nhỏ, để thêm một lần khắc sâu vào tâm can hai chữ “Hòa bình”.

Những người thầy, người cô, trong suốt 12 năm học phổ thông, đã luôn dạy dỗ chúng tôi rằng “đất nước ta rừng vàng biển bạc”. 20 tuổi, chúng tôi biết rừng đang bị tàn phá từng ngày từng giờ, và biển thì đang bị tranh chấp. 20 tuổi, chúng tôi nghĩ về những người lính đang canh giữ biên cương ngoài khơi xa (mà trước đây chúng tôi chỉ nhớ tới sau mỗi chương trình đón Tết của VTV). 20 tuổi, lòng yêu nước của chúng tôi đã bị thử thách như thế đấy.

Hoàng Bích Hà

Giới thiệu HàJung
u n t i l w h e n e v e r

One Response to 20 tuổi và lòng yêu nước

Bình luận về bài viết này